Công văn số 19 của UBND xã Sơn Bằng về việc tăng cường các viện pháp phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò và dịch tả lợn châu phi
ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ SƠN BẰNG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Số: 19/UBND V/v tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục và bệnh dịch tả lợn Châu Phi Sơn Bằng, ngày 30 tháng 3 năm 2021 Kính gửi: - Các đồng chí trong Ban chỉ đạo xã; - Ban chăn nuôi thú y xã; - Các đồng chí trưởng thôn; - Đài truyền thanh xã. Tính đến ngày 28/03/2021 (theo báo cáo của Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện) trên địa bàn huyện Hương Sơn, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xẩy ra tại 03 xã gồm: Sơn Long, Sơn Trung, Sơn Trà tổng số gia súc mắc bệnh tiêu hủy 34 con (09 con lơn nái, 11 lợn thịt, 14 lợn con) của 11 hộ/04 thôn/03 xã với tổng trọng lượng 2.574,5 kg; Bệnh Viêm da nổi cục đã xẩy ra tại 15 xã (gồm: Quang Diệm 03 con; Sơn Lâm 02 con, Sơn Bằng 06 con, Sơn Trung 07 con, Sơn Phú 01 con, Sơn Trường 01 con, Tân Mỹ Hà 34 con, Sơn Long 04 con; Sơn Bình 04 con, Sơn Trà 04, Sơn Châu 07 con, Sơn Tiến 15 con, An Hòa Thịnh 05 con, Sơn Ninh 05 con, Sơn Lễ 01 con), tổng số gia súc mắc bệnh 99 con/15 xã/48 thôn/88 hộ; hiện nay dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng lây lan rất nhanh, phạm vi rộng. Để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND xã Sơn Bằng yêu cầu các đồng chí trong Ban chỉ đạo xã; Ban chăn nuôi thú y xã; Các đồng chí trưởng thôn thực hiện: 1. Công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: - Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh để bảo vệ đàn lợn gia đình; người tham gia các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ phải chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh. - Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh kịp thời, đúng quy trình, quy định, tuyệt đối không để xẩy ra việc vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, phát tán mầm bệnh; giám sát, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. - Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, rà soát tổng đàn, số hộ chăn nuôi lợn để theo dõi, quản lý; đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không nhập lợn từ các tỉnh, huyện khác và vùng đang có dịch về để chăn nuôi, giết mổ; không tăng đàn, tái đàn tại các vùng dịch, vùng có nguy cơ cao khi chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại. - Củng cố, duy trì hoạt động của các Đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, xử ký nghiêm các trường hợp vi phạm. 2. Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục - Tuyên truyền trên hệ thống thông tin truyền thanh về nguy cơ, tác hại và các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân. - Các thôn trưởng rà soát chính xác tổng đàn trâu, bò; xác định cụ thể đối tượng thuộc diện tiêm phòng, tổ chức thu tiền, đăng ký số lượng và nộp tiền về UBND xã (qua đồng chí Hiển CB Thú y) để xã Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện để kịp thời nhận vắc xin tổ chức tiêm phòng hoàn thành trước ngày 25/4/2021. - Đối tượng tiêm phòng: Tổ chức tiêm phòng cho trâu, bò khỏe mạnh tại thôn chưa có dịch trước, sau cùng tiêm tại thôn có dịch, không tiêm cho trâu, bò có triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục hoặc trâu, bò đang bị các bệnh khác. Độ tuổi trâu, bò và bê, nghé từ 03 tháng tuổi trở lên tiêm 01 mũi vắc xin viêm da nổi cục; trâu, bò chửa nặng 02 tháng cuối chưa tiêm. - Cơ chế kinh phí mua vắc xin tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục: giá vắc xin 35.400 đồng/liều, trong đó: Ngân sách huyện đảm bảo 40% (14.160 đồng/liều); người dân đóng góp 60% (21.240 đồng/liều). Kinh phí phục vụ công tác chỉ đạo, tiền công tiêm phòng, hao hụt vắc xin UBND xã sẽ chi trả. - Kỹ thuật tiêm phòng: Thực hiện đúng các yêu cầu về quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của Cơ quan chuyên môn thú y (cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao, bì đựng vắc xin; khuyến cáo mỗi con gia súc chỉ dùng một kim để tiêm…). - Đối với Trâu, Bò, Bê, Nghé chết do “sốc phản vệ” sau khi tiêm phòng trong vòng 6-8 giờ kể từ khi gia súc được tiêm vắc xin buộc phải tiêu hủy theo quy định và được hỗ trợ rủi ro theo quy định tại Điều 14, Quyết định 731/QĐ-UBND ngày 20/3/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành quy định tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Trên đây là một số nội dung về triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục và bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đề nghị các đồng chí trong Ban chỉ đạo, Ban chăn nuôi thú y xã phối hợp với các đồng chí thôn trưởng tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các nội dung trên./. Nơi nhận: - 5 trưởng thôn; - BCĐSX xã; - Lưu VP, NN. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Đào Văn Bé